Hotline : 0966.444.006       

Việt Nam có nguy cơ thành bãi rác khổng lồ của thế giới

Ngoài việc buôn lậu, hiện nay các cảng biển đang dần bị biến thành những bãi rác của thế giới. Theo thống kê của bộ Tài chính, có hơn 4.800 container vô chủ đang “quàn” ở các cảng biển Việt Nam...

Chưa bao giờ câu chuyện buôn lậu qua đường tạm nhập tái xuất nóng như thời gian gần đây. Ngà voi, xăng dầu... núp dưới vỏ bọc củi khô, hàng đông lạnh. Nhiều cơ quan thừa nhận rằng, tạm nhập tái xuất đang trở thành “mảnh đất” màu mỡ của những kẻ kinh doanh phi pháp. Tuy nhiên, ngoài việc buôn lậu, hiện nay các cảng biển đang dần bị biến thành những bãi rác của thế giới. Theo thống kê của bộ Tài chính, có hơn 4.800 container vô chủ đang “quàn” ở các cảng biển Việt Nam, trong đó phần lớn là phế liệu công nghiệp.

“Xả” phế liệu qua đường tạm nhập tái xuất

Theo thông tin mà PV nhận được, bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình trạng hàng ngàn container bị “bỏ quên” tại các cảng biển. Theo kiểm tra tại 5 khu vực cảng biển, cửa khẩu TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu có hơn 4.800 containerphế liệu vô chủ. Trong đó, lốp xe ô tô cũ là 2.443 container. Những kiện hàng “bất hạnh”, vô thừa nhận này tạo thành những bãi rác khổng lồ ở các cảng biển và các cơ quan chức năng đang tỏ ra lúng túng, thậm chí là bất lực trong cách xử lý.

   Việt Nam có nguy cơ thành bãi rác khổng lồ của thế giới - Ảnh 1

Hàng ngàn container vô chủ ở cảng Hải Phòng.

Không phải bây giờ mà cách đây nhiều năm, các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo, vấn nạn nhập phế liệurác thải công nghiệp về Việt Nam đã từng được nâng thành mức báo động đỏ. Thế nhưng, những biện pháp quản lý, ngăn ngừa gần như không có hiệu lực. Đến nay thực trạng “rác” nhập về vẫn ào ạt, tồn đọng tại các cảng biển hoặc phân tán đi các vùng miền, gieo rắc hiểm họa ô nhiễm môi trường.

Theo khảo sát của PV, cảng Chùa Vẽ (Hải Phòng) từ lâu đã tồn tại hai khu vực chuyên lưu giữ những container tồn đọng. Lãnh đạo của cảng này cho biết, sở dĩ phải quy hoạch riêng khu vực lưu hàng tồn đọng vì có những container đã có mặt ở cảng này gần 10 năm mà không có chủ hàng đến nhận. Trước đây các container này nằm xen kẽ với các container mới nhập. Tuy nhiên, việc này ảnh hưởng lớn đến hoạt động bốc xếp nên cảng đã phải quy hoạch riêng hai khu để chứa riêng biệt. Theo báo cáo của cảng Chùa Vẽ, hiện tại có 780 container tồn đọng quá 90 ngày, trong đó có những chiếc đã ở đây từ năm 2006.

Tại cảng, những container vô chủ chất lên như những khu nhà tập thể cao 3-4 tầng dài hàng trăm mét. Những kiện hàng “thi gan cùng tuế nguyệt” đã hoen gỉ, thủng lỗ chỗ. Khi mưa xuống, nước ngấm vào bên trong, những công nhân viên, người dân sinh sống gần đó lại bị tra tấn bởi mùi axít từ ắc quy chì, lốp xe ô tô và giấy vụn.

Theo thống kê của chi cục Hải quan Cửa khẩu, cục Hải quan TP.HCM, tại các cửa khẩu cảng Sài Gòn hiện nay cũng đang tồn tại hơn 1.000 container hàng tồn đọng, vô chủ từ hoạt động nhập khẩu. Trong số hàng tồn, phần lớn là những sản phẩm thuộc diện cấm, không đủ điều kiện để nhập khẩu. Thậm chí, không ít kiện hàng chở hóa chất độc hại đang đe dọa đến môi trường sống của những người dân sinh sống gần đó. Dẫn ra các bằng chứng này để thấy rằng, hiện nay, dự báo Việt Nam trở thành bãi rác thải của thế giới qua đường nhập khẩu tại các cảng biển đang trở thành vấn đề báo động.

Ai đang biến Việt Nam thành bãi rác?

Nhiều chuyên gia khẳng định, ngoài những kẻ kinh doanh phi pháp, luật có nhiều kẽ hở cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bãi rác phế liệu đang dịch chuyển về Việt Nam.

Trao đổi với PV báo, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo 389 Hà Nội (ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại-PV) cho biết: “Tôi được biết, cách đây không lâu, bộ Tài chính đã đề nghị tạm dừng kinh doanh tạm nhập tái xuất lốp ô tô cũ. Bộ Tài chính vừa đề nghị bộ Công Thương đánh giá lại hiệu quả kinh doanh tạm nhập tái xuất lốp ô tô cũ, đồng thời đưa mặt hàng lốp ô tô đã qua sử dụng vào Danh mục hàng hóa tạm dừng kinh doanh tạm nhập tái xuất. Tuy nhiên, không hiểu vì sao đến nay, hai Bộ vẫn chưa thống nhất được vấn đề này”.

Theo ông Phú, các cơ quan Hải quan đều than rằng lý do tồn đọng là bởi chủ hàng không chịu đến làm thủ tục nhập khẩu hàng. Tên người nhận hàng trên các chứng từ vận tải được thống kê chủ yếu là doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập tái xuất. “Dù mặt hàng lốp ô tô đã qua sử dụng không phải là chất thải nguy hại theo điều chỉnh của Công ước Basel, nhưng lại thuộc Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tính chất hàng hóa cồng kềnh, trọng lượng lớn, nên xử lý hàng hóa tồn đọng tốn nhiều thời gian, nhân lực và chi phí.

Thậm chí khi tiêu hủy có ảnh hưởng đến môi trường. Chính vì vậy, tôi cho rằng, các Bộ cần phải ngồi lại với nhau để cùng tìm ra biện pháp khắc phục tình trạng này. Theo tôi, không còn cách nào khác ngoài việc siết lại quy định về tạm nhập tái xuất”, chuyên gia Vũ Vinh Phú khẳng định.

Cùng quan điểm, nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, luật sư Bùi Đình Ứng (đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, tạm nhập tái xuất là loại hình hoạt động có nhiều ưu đãi về chính sách thuế nên không ít doanh nghiệp đã lợi dụng để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Thời gian gần đây, cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải Quan) liên tiếp phát hiện và bắt giữ những vụ buôn lậu quy mô lớn sử dụng hình thức tạm nhập tái xuất. Điều đáng nói, những mặt hàng tuồn vào Việt Nam lại là hàng thuộc diện cấm nhập khẩu, hàng phế thải, thực phẩm đông lạnh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, gây mất an toàn cho cộng đồng.

Lý giải nguyên nhân vì sao các container chở hàng phế thải vẫn ùn ùn chảy vào cảng biển Việt Nam, luật sư Ứng phân tích, kẽ hở đầu tiên chính là do chúng ta quản lý bằng việc phân loại hàng hóa theo “luồng xanh” và “luồng đỏ”. Mà hàng tạm nhập tái xuất hầu hết được đi qua “luồng xanh”. Chính vì việc được đi qua “luồng xanh” nên hàng tạm nhập tái xuất không thể kiểm soát trực tiếp được.

“Trước đây, chúng ta có quy định, doanh nghiệp tạm nhập lô hàng nào thì tái xuất nguyên lô hàng đó, không được chia nhỏ ra. Tuy nhiên, hiện nay, việc cho phép một lô hàng khi xuất được “xé” nhỏ ra chính là sơ hở mà các doanh nghiệp dựa vào đó để trà trộn, đánh tráo hàng rồi nhập lậu vào trong nước những mặt hàng cấm nhập...”, luật sư Ứng chia sẻ.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.

Vì lợi nhuận bất chấp lợi ích cộng đồng

Nhiều chuyên gia cho rằng, hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực xuất nhập khẩu còn thiếu đồng bộ, nhiều điểm chưa rõ ràng nên nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận sẵn sàng bất chấp lợi ích chung của cộng đồng.

Khi bị phát hiện, các doanh nghiệp chỉ bị phạt hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Thế nhưng nhiều lô hàng không thể tái xuất ngược trở lại hoặc sang nước thứ ba vì không xác định được chủ hàng. Chính vì vậy, Việt Nam đang dần trở thành bãi phế liệu của nhiều nước phát triển.

Mánh lới buôn lậu và bất lực trong cách xử lý

Chiều ngày 23/7, trao đổi với PV báo, một cán bộ chi cục Hải quan TP.Hải Phòng (đề nghị không đưa tên-PV) thừa nhận: “Vấn đề container tồn đọng không chỉ xảy ra ở cảng Hải Phòng mà đã trở thành nỗi ám ảnh của tất cả các cảng biển trên cả nước. Chúng tôi và ngay cả Tổng cục Hải quan đã có rất nhiều cuộc họp tháo gỡ nhưng chưa có kết quả.

Hàng ngàn container đang chất đầy xung quanh cảng như các hàng rào cao đến 2-3 tầng rất nhức mắt. Bất cứ kiện hàng nào tồn ở cảng, chúng tôi đều vào cuộc tìm hiểu xác minh.

Tuy nhiên, khi tìm đến nơi, không ít trường hợp công ty nhận chỉ là một quán trà đá hoặc một căn nhà hoang. Bởi họ lấy địa chỉ “ma”, công ty “ma”. Thậm chí, nhiều công ty khi tàu cập cảng, họ biết không thể qua mắt được cơ quan chức năng nên làm công văn nói rằng đó không phải hàng của họ... Tất cả điều này đẩy các cơ quan chức năng vào thế bị động, rất khó trong việc xử lý”.